Quảng cáo Facebook thực sự không quá khó để bạn tự tìm hiểu và triển khai. Để giúp bạn trở nên chuyên nghiệp hơn và có kiến thức về lĩnh vực quảng cáo trên nền tảng Facebook, bạn cần đọc và tìm hiểu kỹ những lưu ý mà mình sẽ đề cập bên dưới đây.
Chính sách về nội dung quảng cáo
Trước khi bắt đầu quảng cáo trên bất kỳ một nền tảng nào, bạn đều cần phải tìm hiểu về chính sách và những điều khoản của nền tảng. Việc tìm hiểu giúp bạn tránh các rủi ro khi đề cập nội dung quảng cáo không phù hợp, quảng cáo sản phẩm không được cho phép. Ngoài ra, việc tìm hiểu chính sách dành cho sản phẩm và ngành hàng mà bạn đang triển khai sẽ giúp bạn giảm thiểu rủi ro về việc bị hạn chế hoạt động của page, tài khoản quảng cáo và tài khoản doanh nghiệp.
Đảm bảo nội dung quảng cáo:
Không có lỗi ngữ pháp hay dấu câu gây ảnh hưởng đến trải nghiệm người dùng.
Không chứa nội dung 18+ hoặc tương tự như thế được thể hiện một cách rõ ràng.
Không đề cập hoặc ám chỉ đặc điểm cá nhân người dùng, chẳng hạn như chủng tộc, dân tộc, tôn giáo.
Không quảng bá những cách làm hoặc sản phẩm gây hiểu nhầm/lừa đảo dù theo bất cứ vai trò nào.
Không chứa hình ảnh minh họa cho chức năng không tồn tại (ví dụ: nút “phát” mà không phát nội dung thực nào).
Không đưa ra khẳng định có thể gây hiểu nhầm hoặc đặt ra kỳ vọng phi thực tế, chẳng hạn như cam kết hiệu quả, đảm bảo 100%, tốt nhất.
Không chứa nội dung chất lượng thấp (ví dụ: sử dụng tiêu đề, ngôn từ giật gân, phóng đại nhằm lôi kéo mọi người nhấp vào quảng cáo).
Sản phẩm không được phép quảng cáo:
Hỗ trợ việc kinh doanh hoặc sử dụng sản phẩm/dịch vụ người lớn.
Quảng cáo thuốc lá, thực phẩm bổ sung không an toàn, thuốc kê đơn, chất kích thích hoặc các loại chất cấm theo quy định của pháp luật hiện hành.
Quảng cáo việc bán hoặc sử dụng vũ khí, phụ kiện độ chế vũ khí hoặc chất nổ.
Đối với các sản phẩm và thức uống có cồn như rượu bia, bạn có thể triển khai quảng cáo nhưng trong khuôn khổ hạn chế và phải tuân thủ theo quy định của pháp luật hiện hành. Ngoài ra, bạn cần lưu ý về việc nhắm mục tiêu độ tuổi và vị trí địa lý.
>>> Đọc thêm về chính sách dành cho sản phẩm, đồ uống có cồn
Bạn hãy comment tên sản phẩm và đường dẫn page bên dưới, mình sẽ hỗ trợ tư vấn miễn phí về chính sách và nội dung quảng cáo trước khi triển khai chiến dịch.
>>> Đọc thêm về chính sách quảng cáo Facebook
>>> Đọc thêm về tiêu chuẩn quảng cáo
Ngân sách quảng cáo
Tổng ngân sách sử dụng cho chiến dịch quảng cáo tùy thuộc vào kế hoạch phân bổ tài chính của bạn. Bạn có thể bắt đầu với một mức ngân sách nhỏ để trải nghiệm và đánh giá.
Đối với Facebook, ngân sách tối thiểu hằng ngày của một nhóm quảng cáo là $1, tương đương 25,000đ chưa bao gồm 5% VAT.
Những yếu tố ảnh hưởng đến việc phân bổ ngân sách quảng cáo Facebook:
- Sản phẩm: Bạn chỉ cần hiểu một cách đơn giản chằng hạn như chi phí tìm kiếm một khách hàng cho nhóm sản phẩm bạn đang kinh doanh là cao, thì bạn cần chuẩn bị khoản ngân sách cao, nếu chi phí tìm kiếm khách hàng thấp thì bạn có thể bắt đầu ở một mức ngân sách thấp. Vậy làm thế nào để tham khảo chi phí tìm kiếm khách hàng? Bạn có thể dựa vào đặc điểm, tính chất và giá bán của sản phẩm, kinh nghiệm kinh doanh và nhu cầu thị trường.
Đối với các nhóm sản phẩm tiêu dùng phổ thông chẳng hạn như thực phẩm, thời trang, bạn có thể bắt đầu thử nghiệm ở một mức ngân sách thấp (50,000 – 100,000đ/ ngày). Những ngành hàng tiêu dùng giá trị cao, dịch vụ tư vấn, dịch vụ sức khỏe và làm đẹp cần một mức ngân sách hằng ngày lớn hơn (200,000 – 500,000đ hoặc hơn).
- KPI quảng cáo mục tiêu: Đối với các mục tiêu căn bản chẳng hạn như tăng followers, tăng tương tác, video views thì ngân sách thiết lập hằng ngày ở mức thấp. Đối với các mục tiêu nâng cao chẳng hạn như tin nhắn khách hàng, thông tin khách hàng thì cần mức ngân sách cao hơn.
Nếu bạn là một người mới bắt đầu cho việc học và triển khai thử nghiệm các chiến dịch quảng cáo, bạn có thể bắt đầu ở mức $1-$2/ ngày làm quen với nền tảng và đánh giá tương tác của khách hàng. Chúng ta có thể nâng dần ngân sách trong quá trình triển khai.
Xu hướng quảng cáo của nền tảng
Xu hướng quảng cáo hiện tại được đề xuất là quảng cáo Video.
Facebook đang áp dụng 4 loại hình quảng cáo chính là hình ảnh, video ngắn, quảng cáo quay vòng và bộ sưu tập. Quảng cáo bằng hình ảnh và video là 2 quảng cáo dễ thiết lập hơn so với quảng cáo quay vòng và bộ sưu tập. Việc chọn loại hình quảng cáo còn tùy vào lĩnh vực mà bạn đang kinh doanh. Mình ví dụ:
- Quảng cáo bằng hình ảnh – hình ảnh đơn: Phù hợp cho hầu hết ngành hàng
- Quảng cáo bằng hình ảnh – album ảnh: Phù hợp với ngành hàng du lịch, thời trang, F&B, …
- Quảng cáo video: Phù hợp với ngành hàng du lịch, thời trang, F&B, điện gia dụng, công nghệ,…
- Quảng cáo quay vòng và quảng cáo bộ sưu tập: Phù hợp với mục tiêu dẫn khách hàng đến điểm đích là website hoặc gian hàng trên sàn Shopee, Lazada, Tiki.
Đối với quảng cáo bằng video, bạn nên áp dụng tỷ lệ được đề xuất là 4:5, có thời lượng tối đa là 120s để có thể sử dụng được trên nền tảng Instagram. Thực tế khi triển khai quảng cáo, các nhà quảng cáo thường sử dụng các video có thời lượng trong khoảng 30-45s, tập trung vào nội dung review thực tế về sản phẩm và dịch vụ. Trong đó 5s giới thiệu đầu tiên cực kỳ quan trọng đối với quảng cáo video.
>>> Xem thêm quy định về quy cách nội dung bằng video
Số liệu quảng cáo
Khi bạn triển khai chiến dịch quảng cáo, bạn bắt buộc phải quan tâm đến số liệu quảng cáo
Đối với một nhà quảng cáo mới, bạn nên tập trung vào các số liệu căn bản ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả quảng cáo. Những số liệu căn bản chẳng hạn như:
- Ngân sách sử dụng hằng ngày
- Lượt reach: Lượt tiếp cận người dùng
- Lượt kết quả hằng ngày:
- Bạn chạy quảng cáo mục tiêu là tương tác, bạn quan tâm đến lượt comment
- Bạn chạy quảng cáo mục tiêu là video view, bạn quan tâm đến tổng lượt view (từ 3s xem video sẽ tính 1 lượt), lượt xem 50% thời lượng video
- Bạn chạy quảng cáo click về website hoặc sàn thương mại điện tử, bạn sẽ quan tâm đến unique click và số lượng đơn hàng trên tổng lượt click
- Bạn chạy quảng cáo tin nhắn, bạn sẽ quan tâm đến số lượng tin nhắn
- Bạn chạy quảng cáo lead (data), bạn sẽ quan tâm đến số lượng thông tin khách hàng thu thập được
- Chi phí trên 1 lượt kết quả: Nếu chi phí cho ra kết quả đang cao, bạn cần xem lại nguyên nhân ở đâu, có thể là do nhắm mục tiêu và cũng có thể là do nội dung của bạn chưa phù hợp.
- Tỷ lệ chuyển đổi (Conversion rate): ví dụ tỷ lệ chuyển đổi từ tin nhắn ra thông tin khách hàng hay là tỷ lệ chuyển đổi từ thông tin khách hàng ra doanh thu. Dựa trên tỷ lệ chuyển đổi sẽ giúp bạn đánh giá hiệu quả quảng cáo đang mang lại. Nếu tỷ lệ chuyển đổi thấp, bạn cần xem xét lại các yếu tố: tệp khách hàng, phản hồi về sản phẩm, quy trình chăm sóc khách hàng online.
- ROAS: Lợi tức trên chi tiêu quảng cáo. Đối với chủ doanh nghiệp chỉ số mà họ quan tâm nhiều nhất đó là ROAS giúp họ xác định mức độ hiệu quả của một chiến dịch quảng cáo dựa trên doanh thu thu được từ khoản chi tiêu cho quảng cáo. Công thức tính ROAS là lấy doanh thu từ một chiến dịch quảng cáo chia cho số tiền đã chi cho chiến dịch đó.
Trong quảng cáo Facebook có rất nhiều chỉ số khác ảnh hưởng đến hiệu quả quảng cáo, tuy nhiên phần này mình sẽ chia sẻ sâu hơn khi chúng ta thiết lập các quảng cáo thực tế.
Kết luận
Triển khai một chiến dịch quảng cáo trên Facebook đối với các nhà quảng cáo hiện nay là không khó. Trong quá trình chuẩn bị và triển khai xuyên suốt, bạn cần tập trung nghiên cứu về hành vi người dùng, xu hướng quảng cáo được ưa chuộng và những lưu ý về chính sách quảng cáo nhằm mục tiêu thúc đẩy hiệu quả quảng cáo.
Bài được viết bởi Jasmine Bùi.
Bản quyền nội dung thuộc về jasminebui.me.