Nội dung bài viết Hide
Chạy quảng cáo tin nhắn là một giải pháp tuyệt vời giúp bạn quảng cáo bán sản phẩm hay là tìm kiếm khách hàng tiềm năng sử dụng dịch vụ. Bài hướng dẫn dưới đây sẽ giúp bạn cách thiết lập quảng cáo tin nhắn và hiểu rõ các thông tin quan trọng cần lưu ý trong quá trình vận hành chiến dịch quảng cáo.
Đây là một bài viết dài và chi tiết. Các bạn vừa xem vừa thực hiện theo hướng dẫn nha!
Cập nhật bài viết 28.11.2023: Tính năng tăng ngân sách theo khung giờ cho tùy chọn Ngân sách hằng ngày và thiết lập đối tượng nâng cao.
Chuẩn bị trước khi chạy quảng cáo tin nhắn
Đối tượng quảng cáo mục tiêu
Bạn muốn quảng cáo sản phẩm hay là dịch vụ này đến ai?
- Vị trí địa lý:
- Toàn quốc: Nếu bạn bán và giao hàng toàn quốc và sản phẩm có khả năng tiếp cận tệp khách hàng mở rộng toàn quốc.
- 1 hay nhiều thành phố: Tập trung vào tệp khách hàng tại 1 hoặc 1 số thị trường tiềm năng nhất, nơi bạn có kho hàng vật lý hỗ trợ giao hàng thuận tiện, tiết kiệm chi phí.
- Hoặc ghim 1 địa chỉ cụ thể: Dành cho quảng cáo tin nhắn tìm kiếm khách hàng mua trực tiếp tại cửa hàng hoặc sử dụng dịch vụ trực tiếp tại cửa hàng.
- Độ tuổi: Facebook chia tuổi ra thành các nhóm nhỏ để thiết lập báo cáo, bạn có thể dựa vào nhóm tuổi này để đưa ra thiết lập quảng cáo hiệu quả nhất.
- 16 – 24 tuổi
- 25 – 34 tuổi
- 35 – 44 tuổi
- 45 – 54 tuổi
- 55 – 65+
Ví dụ bạn đang đánh mục tiêu vào độ tuổi từ 18 – 30 tuổi, bạn nên để thiết lập độ tuổi quảng cáo từ 18 – 34 tuổi.
- Giới tính: Nam hoặc nữ hoặc chọn cả hai.
- Chủ đề nội dung quan tâm: Chọn theo danh mục của trang, từ khóa ngành hàng
Nội dung quảng cáo
Nội dung quảng cáo tin nhắn sẽ gồm 3 phần chính:
- Nội dung chữ: Chạy quảng cáo tin nhắn là dùng để quảng cáo bán hàng tăng doanh số và thu thập thông tin khách hàng, vì vậy bạn cần lưu ý những vấn đề sau:
- Độ dài nội dung quảng cáo nên dao động từ 60 – 200 ký tự, thông tin rõ ràng, cụ thể càng dễ tạo ấn tượng và uy tín đối với người dùng. Khi người dùng cảm thấy họ có nhu cầu thì họ sẽ inbox, thay vì chỉ inbox thăm dò thông tin;
- Chú ý vùng vàng nội dung là 2-3 dòng nội dung hiển thị đầu tiên trước chữ “Xem thêm”;
- Chuẩn bị ít nhất 3 phiên bản nội dung chữ để giúp quảng cáo không rơi vào trạng thái “Bão hòa nội dung”;
- Không nên đề cập đến link thông tin sản phẩm hay bất kỳ đường dẫn nào mà chỉ tập trung vào nút CTA “Gửi tin nhắn” vì mục tiêu của quảng cáo là dẫn dắt người dùng “Gửi nhắn tin” về trang để được tư vấn sản phẩm và chốt đơn hàng.
- Hình ảnh quảng cáo
- Có thể sử dụng hình ảnh đơn tỷ lệ 1:1 hoặc Album ảnh;
- Nên chuẩn bị ít nhất từ 3 phiên bản hình ảnh khác nhau cùng thể hiện 1 nội dung quảng cáo để giúp quảng cáo không rơi vào trạng thái “Bão hòa nội dung”;
- Thông điệp trên hình ảnh ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề, dễ hiểu;
- Hình ảnh cần sử dụng chất lượng cao thu hút người dùng hơn;
- Không nên đề cập bất kỳ nút CTA nào trên hình ảnh thiết kế vì đã có nút CTA trên bài quảng cáo.
- Video quảng cáo
- Nên tận dụng sức mạnh của video trong khi chạy quảng cáo tin nhắn, chuẩn bị ít nhất 1 nội dung Video;
- Độ dài video lý tưởng nhất dưới 60s;
- Tỷ lệ khung hình lý tưởng là 4:5 và 9:16, nên chuẩn bị cả 2 phiên bản này;
- Không nên sử dụng Video quảng cáo chỉ sử dụng nhạc nền và text vì hiệu quả kém, nên sản xuất video có “lồng tiếng” dẫn dắt câu chuyện và kết nối với khách hàng;
- Chú ý 3s đầu tiên với 1 câu dẫn chuyện đủ hấp dẫn;
- Thiết kế thumbnail video.
Hướng dẫn từng bước chạy quảng cáo tin nhắn
Bước 1: Khởi tạo chiến dịch
Đây là bước tạo chiến dịch quảng cáo, đặt tên cho chiến dịch và chọn mục tiêu quảng cáo.
Đầu tiên, bạn mở Trình quản lý quảng cáo.
- Chọn nút “Tạo”
- Chọn vào ô “Lượt tương tác”

Tiếp theo, bạn đặt tên cho Chiến dịch, Nhóm quảng cáo, Quảng cáo để dễ quản lý thông tin khi vận hành.
- Tên chiến dịch ví dụ: Sale tháng 10 2023, Dịch vụ điều trị nám da sale 45%, …
- Tên nhóm quảng cáo ví dụ: Toàn quốc – Nam nữ – 2544 – Tiếp cận mở rộng, HCM – Nam – 1834 – Tiếp thị lại, …
- Tên quảng cáo: Ghi chú thể loại nội dung, định dạng nội dung, ví dụ như: Album ảnh, Hình ảnh đơn, Video 30s, Bộ sưu tập sản phẩm, ….
Hoàn thành, bạn click vào nút “Tiếp”

Kế đến, trong phần thiết lập chiến dịch, bạn sẽ không cần cài đặt gì thêm trong các mục bên dưới hình.

Trong phần chiến dịch sẽ có 2 nội dung mình lưu ý:
- Thử nghiệm A/B: Tính năng này dùng để thử nghiệm song song 2 nhóm quảng cáo, 2 nhóm nội dung khác nhau để đưa ra đánh giá phần nào hiệu quả hơn. Phần này mình sẽ hướng dẫn trong bài viết tới.
- Ngân sách chiến dịch nâng cao: Nếu bạn chọn mục này, đồng nghĩa với việc bạn sẽ để Facebook tự động phân bổ ngân sách cho các nhóm quảng cáo trong trường hợp chiến dịch của bạn có từ 2 nhóm quảng cáo trở lên. Bạn có thể chọn để thử nghiệm tính năng này và trong bài hướng dẫn này mình sẽ hướng dẫn các bạn phân bổ ngân sách thủ công nên sẽ không chọn mục này.
Bạn click nút “Tiếp” để chuyển sang cài đặt nhóm quảng cáo

Bước 2: Cài đặt nhóm quảng cáo
Đây là bước chọn mục tiêu “con” của quảng cáo, thiết lập ngân sách, đối tượng quảng cáo và vị trí quảng cáo.
- Lượt chuyển đổi: Chọn “Ứng dụng nhắn tin”

- Loại quảng cáo: Chọn “Nhấp để nhắn tin” nhằm tìm kiếm các cuộc trò mới. Với “Tin nhắn được tài trợ” chỉ sử dụng quảng cáo đến các người dùng đã từng nhắn tin vào trang.
- Click vào biểu tượng cây bút để chọn trang cần chạy quảng cáo
- Trong trường hợp bạn muốn chạy quảng cáo song song trên nền tảng Instagram và Facebook, bạn click vào “Kết nối tài khoản”, sau đó đăng nhập tài khoản Instagram để được Facebook kết nối.

Tiếp theo
- Mục tiêu hiệu quả: Chọn “Tối đa hóa số cuộc trò chuyện”
- Đầu thầu: Chúng ta sẽ để đấu thầu tự động và không điền thông tin. Khi bạn đã có nhiều trải nghiệm thực tế thì hãy thử nghiệm đấu thầu kết quả thủ công.

Kế đến là mục ngân sách và lịch chạy.
- Ngân sách: Có 2 tùy chọn ngân sách đó là “Ngân sách hằng ngày” và “Ngân sách trọn đời”. Nếu bạn chọn ngân sách hằng ngày thì điền vào mức ngân sách chi trả hằng ngày. Hãy bắt đầu bằng 1 mức ngân sách nhỏ, sau đó sẽ nâng dần sau. Mức tối thiểu theo quy định mỗi ngày là $1 ~ 24,000đ.
- Ngày bắt đầu chạy quảng cáo: Đối với “Ngân sách hằng ngày” bạn có thể không cần chọn ngày kết thúc, khi nào quảng cáo không ra hiệu quả, bạn có thể chủ động Tắt quảng cáo.

Cập nhật mới: Trong mục thiết lập ngân sách hằng ngày, Facebook cập nhật thêm tùy chọn (11/2023) tăng ngân sách vào một khoảng thời gian cụ thể trong ngày.
Xác định khoảng thời gian cần tăng ngân sách: Bạn theo dõi và quan sát phản hồi của người dùng với quảng cáo trong 24h. Sau đó, bạn đưa ra đánh giá khoảng thời gian khách hàng tương tác quảng cáo nhiều nhất và tăng ngân sách cho khoảng thời gian này. Bạn nên tăng từ 20% – 30% ngân sách một ngày.
Lưu ý: Tính năng mới này không dùng được cho ngân sách trọn đời.

Nếu bạn chọn “Ngân sách trọn đời” thì thiết lập như sau:
- Chọn “Ngân sách trọn đời” và điền số tiền chi trả trọn gói. Tùy chọn ngân sách này phù hợp với các chiến dịch ngắn hạn và các mục tiêu quảng cáo tương tác đơn giản như tăng view video, like page, bình luận bài viết.
- Ngân sách trọn đời cần có ngày kết thúc.
- Lên lịch quảng cáo: Tùy chọn khung giờ trong ngày mà bạn muốn quảng cáo được hiển thị. Tùy chọn “Ngân sách hằng ngày” không được hỗ trợ tính năng này.
Trong bài hướng dẫn này, mình sẽ khuyến khích các bạn sử dụng “Ngân sách hằng ngày” cho các chiến dịch quảng cáo bán hàng dài hạn.

Thiết lập đối tượng quảng cáo:

- Vị trí hỗ trợ: Toàn quốc (Việt Nam), hoặc tùy chọn 1 hay nhiều thành phố, hoặc ghim địa chỉ và tìm kiếm khách hàng địa phương gần cửa hàng của bạn nhất. Bạn xem hình ảnh hướng dẫn bên dưới
- Tuổi: Chọn khung độ tuổi mục tiêu. Xem lại phần giải thích mình ghi chú ở đầu bài viết.
- Giới tính: Chọn nam hoặc nữ hoặc cả hai.
- Nhắm mục tiêu chi tiết: Chủ đề mà người dùng mục tiêu quan tâm. Bạn có thể chọn nhắm mục tiêu từ 5-10 chủ đề và từ khóa.


Cập nhật mới: Đối tượng tùy chỉnh nâng cao
Về thiết lập: Không có nhiều điểm khác biệt so với thiết lập thông thường
Về hiệu quả: Trải nghiệm tương đối bình thường. Có lẽ đây là một tính năng mới và cần thời gian để Facebook nâng cấp tính năng.

Phần cài đặt vị trí hiển thị quảng cáo:
- Nếu bạn chọn “Vị trí quảng cáo khuyên dùng” thì không cần phải cài đặt các thông tin bên dưới và mình cũng khuyến khích bạn chọn mục này. Nếu bạn chọn “Vị trí quảng cáo thủ công” thì xem mô tả các hình ảnh bên dưới.
- Chọn thiết bị: Điện thoại hoặc Máy tính hoặc cả hai. Mục này thích hợp khi bạn kinh doanh các sản phẩm cần hướng tới đối tượng người dùng dựa theo thiết bị họ đang dùng. Mình ví dụ bạn kinh doanh phụ kiện điện thoại, phụ kiện máy tính, kinh doanh điện thoại và nhắm mục tiêu đến các người dùng có khả năng phát sinh nhu cầu lên đời máy cao, …
- Chọn hệ điều hành Android hay IOS với mục thiết bị di động.
- Nhập tên thiết bị mà bạn muốn đánh mục tiêu quảng cáo.
Sau khi chọn xong, bạn click vào “Tiếp” chuyển sang thiết lập nội dung quảng cáo.

Bước 3: Cài đặt nội dung quảng cáo
Đây là bước thiết lập định dạng nội dung quảng cáo và chatbot tự động.
- Có 2 tùy chọn chính là “Tạo quảng cáo” và “Sử dụng bài viết sẵn có” đã lên lịch hoặc đã đăng trên trang. Đối với tùy chọn “Sử dụng bài viết sẵn có” các thông số về tương tác bài viết sẽ được lưu trên trang của bạn, điều này giúp trang “trông có vẻ xịn hơn” và bài viết này có thể dùng trong nhiều chiến dịch quảng cáo đồng thời. Còn tùy chọn “Tạo quảng cáo” thì thông tin bài viết không lưu trên trang. Tuy nhiên, ở tùy chọn này sẽ giúp cho bạn tạo ra 1 số định dạng quảng cáo: Quay vòng, Bộ sưu tập, Canvas ad phục vụ cho nhiều mục tiêu quảng cáo.
- Trong bài viết này, mình hướng dẫn các bạn thiết lập định dạng nội dung “Quay vòng”. Đối với định dạng “Một hình ảnh/ Video” thao tác rất đơn giản, bạn có thể tự điều chỉnh một cách dễ dàng.
- Bỏ chọn tùy chọn “Quảng cáo đa bên”. Đây là tùy chọn cho phép Facebook hiển thị nhiều quảng cáo trên 1 vị trí và người dùng sẽ tiếp cận đồng thời nhiều nội dung cùng 1 lúc.


Tiếp theo:
- Bạn có thể chọn thêm thẻ hình ảnh hoặc video. Với định dạng quảng cáo này, mình đề xuất các bạn nên tập trung vào hình ảnh.
- Sau khi chọn xong hình ảnh, bạn sẽ thêm tiêu đề ngắn gọn cho hình ảnh ví dụ như tên sản phẩm, hoặc nội dung chương trình sales.
- Chọn thêm thẻ và thêm nội dung như các bước ở trên. Bạn nên chọn từ 5-6 thẻ cho định dạng quảng cáo này.

Sau khi thêm thẻ xong, bạn sẽ thêm nội dung chính của quảng cáo.
- Thêm nôi dung chính là phần nội dung chữ mình đã ghi chú ở đầu bài viết. Chú ý vùng vàng nội dung, vùng hiển thị trước nút “Xem thêm”.
- Bạn nên thêm 1 tùy chọn văn bản có cách thể hiện khác để Facebook tối ưu nội dung quảng cáo.

Tiếp theo là cài đặt Chatbot tự động, bạn click vào “Chỉnh sửa”

- Bạn có thể chọn 1 trong 3 tùy chọn cài đặt, mình thường sử dụng “Chỉ văn bản” tinh gọn phần mời chào khách hàng. Tiếp theo bạn thêm câu chào khách hàng và thêm nhận diện tên khách hàng tự động.
- Bạn chỉ nên dùng 1 câu hỏi đề xuất. Đây là câu dẫn dắt khách hàng vào câu chuyện bán hàng. Ví dụ như câu đề xuất: “Chị muốn mua đầm đi tiệc, em tư vấn vài mẫu giúp chị!” thay vì “Giá cái đầm này bao nhiêu?” hay “Tôi muốn biết thêm thông tin về cái đầm”. Nghĩa là bạn tạo ra 1 câu đề xuất để giúp cho câu chuyện của bạn và khách hàng có khả năng đi tiếp, thay vì chỉ gợi ý câu hỏi và 1 câu trả lời duy nhất sau đó.
- Tạo tên mẫu Chatbot và chọn “Lưu và hoàn tất”

Bước 4: Kiểm tra và đăng xét duyệt quảng cáo
Bạn đã hoàn thành xong việc thiết lập quảng cáo tin nhắn, sau đó bạn cần kiểm tra lại hiển thị nội dung trước khi bấm đăng quảng cáo để xét duyệt.
- Chọn “Bản xem trước nâng cao” để xem cách nội dung được hiển thị trên các vị trí quảng cáo.
- Sau khi kiểm tra xong, bạn click “Đăng” để quảng cáo được gửi đi xét duyệt.

Bước 5: Copy quảng cáo (Thông tin thêm)
Trong trường hợp bạn muốn thêm một thể loại nội dung khác cho nhóm hiện tại, bạn làm theo hướng dẫn:
- Click vào ba chấm và chọn “Tạo bản sao” nội dung quảng cáo.
- Chọn “Sao chép”

Sau khi đã sao chép nội dung quảng cáo, trên mục nội dung vừa sao chép, bạn sẽ tiến hành điều chỉnh nội dung tương tự như hướng dẫn ở Bước 3.
Sau khi đã hoàn thành xong nội dung mới, bạn sẽ kiểm tra lại và click “Đăng” để gửi xét duyệt nội dung này.

5 lưu ý quan trọng khi chạy quảng cáo tin nhắn
Thời gian duyệt quảng cáo
Quảng cáo tin nhắn sẽ được Facebook duyệt trong vòng 24 giờ. Đối với các nội dung sử dụng câu từ đơn giản, không chứa nội dung chuyên sâu và nhạy cảm thì quảng cáo sẽ được duyệt nhanh hơn trong khoảng 1-3 giờ. Bạn có thể xem lại phần xây dựng nội dung mạng xã hội hiệu quả tại đây.
Làm gì khi quảng cáo không được duyệt
Thường thì Facebook sẽ không đưa ra 1 lý do cụ thể khi quảng cáo của bạn không được duyệt ngoại trừ 1 lý do chung chung về tiêu chuẩn cộng đồng.
Khi quảng cáo của bạn bị từ chối, bạn hãy rà soát lại nội dung, rà soát lại từng câu và đánh giá xem câu từ nào “có khả năng là từ ngữ nhạy cảm” liên quan tới các ngành hàng bị hạn chế và cấm quảng cáo hay không? Ngoài ra bạn chú ý thêm về hình ảnh quảng cáo. Bạn tham khảo thêm tiêu chuẩn cộng đồng Facebook về nội dung.
Đối với quảng cáo bị từ chối liên quan tới nội dung, bạn nên thay thế bằng 1 nội dung khác và gửi xét duyệt lại. Nếu quảng cáo vẫn bị từ chối, bạn nên tắt chiến dịch và tạo 1 chiến dịch mới. Trong trường hợp chiến dịch mới vẫn bị từ chối thì có khả năng cao là sản phẩm hay dịch vụ bạn đang kinh doanh thuộc diện nhạy cảm liên quan sức khỏe con người, sản phẩm bị hạn chế và cấm trên nền tảng Facebook.
Điều chỉnh quảng cáo và ngân sách quảng cáo
Đối với quan điểm cá nhân của mình khi chạy quảng cáo tin nhắn bán hàng trong thời gian dài hạn, mình sẽ luôn dành ít nhất từ 1-2 tuần để thử nghiệm nội dung và nhóm đối tượng, thậm chí có thể lên đến 4 tuần. Trong trường hợp bạn chạy theo chiến dịch ngắn hạn, bạn nên lưu ý những thông tin cần chuẩn bị trước khi chạy quảng cáo tin nhắn mà mình đã ghi chú ở trên.
Bất kỳ loại hình quảng cáo nào cũng vậy, bạn cần có sự kiên nhẫn trong việc đánh giá hiệu quả, tránh việc quảng cáo chỉ mới chạy được 1-2 ngày chưa tạo ra kết quả gì “đã vội điều chỉnh”. Sau khi quảng cáo được phê duyệt, bạn chỉ nên điều chỉnh quảng cáo trong các trường hợp sau:
- Quảng cáo đã chạy từ 3 ngày nhưng chưa có phản hồi từ người dùng: Có thể thêm nội dung quảng cáo. Bạn có thể thử tính năng Test A/B để thử nghiệm các nhóm nội dung khác nhau (Phần này mình sẽ hướng dẫn trong bài viết tới).
- Trong 7-10 ngày đầu tiên quảng cáo chưa tạo ra hiệu quả: Xem xét lại nhóm đối tượng người dùng mục tiêu;
- Sau 2 tuần, quảng cáo vẫn chưa có hiệu quả gì: Nên tắt quảng cáo và tạo chiến dịch mới;
- Đối với các quảng cáo chạy trong 1-2 tuần đầu tiên đang tạo ra hiệu quả thấp dưới mức kỳ vọng của bạn, bạn cần kiên nhẫn để quảng cáo tiếp tục chạy và đánh giá thêm. Bên cạnh đó, bạn luôn lưu ý về việc thêm nội dung và thử nghiệm thêm nhóm quảng cáo;
- Bạn không nên điều chỉnh nội dung quảng cáo nhiều lần, nếu sau khoảng 2 lần điều chỉnh mà quảng cáo vẫn không cải thiện hiệu quả, bạn nên Tắt chiến dịch.
- Điều chỉnh ngân sách: Bạn nên chạy từ mức ngân sách nhỏ và nâng dần. Mình ví dụ bạn chạy ngân sách ngày từ 100,000đ và nâng dần lên 200,000đ, 400,000đ, …. Bạn không nên dồn tất cả ngân sách vào 1 nhóm quảng cáo trong 1 chiến dịch, điều này dễ khiến cho quảng cáo rơi vào mức đấu thầu cao và đẩy giá tin nhắn lên (Khi chọn đấu thầu tự động).
Tắt quảng cáo và nguyên nhân quảng cáo kém hiệu quả
Bạn chỉ tắt quảng cáo khi quảng cáo đó không tạo ra hiệu quả gì cả hoặc tạo ra hiệu quả ngày càng kém dần đi.
Việc tắt quảng cáo và tạo thêm những quảng cáo mới bằng những nội dung mới là một thay đổi hết sức cần thiết. Điều này sẽ dựa trên trải nghiệm thực tế và những kinh nghiệm mà bạn sẽ rút ra trong quá trình chạy quảng cáo bán hàng.
Những nguyên nhân cơ bản khiến cho quảng cáo ngày càng kém hiệu quả:
- Bão hòa nội dung: người dùng bị xem đi xem lại 1 nội dung 1 cách nhàm chán hoặc cách làm nội dung bị trùng lặp.
- Bão hòa người dùng: Bị trùng lặp đối tượng, đối tượng quá rộng, bị loãng. Bạn cân nhắc các tính năng “Loại trừ đối tượng đã nhắn tin, đã mua hàng”, hoặc mở rộng tiếp cận với đối tượng tùy chỉnh và đối tượng tương tự. Xem phần Đối tượng tại đây!
- Nguyên nhân khách quan: Nhu cầu thị trường yếu, mức độ cạnh tranh cao, lúc này bạn cần quan tâm nhiều hơn về khâu chăm sóc khách hàng và xây dựng uy tín cho thương hiệu (kể cả thương hiệu cá nhân) để tăng tỷ lệ quay đầu mà marketing truyền miệng.
Tư vấn khách hàng trực tuyến và quản lý thông tin
Chạy quảng cáo tin nhắn nhắm mục tiêu là người dùng sẽ nhắn tin và bạn sẽ tư vấn cho họ, vì vậy bạn cần có 1 đội ngũ trả lời tin nhắn đủ khôn khéo và tạo cảm tình với người dùng chỉ qua “các dòng tin nhắn” mà không chạm mặt khách hàng. Bạn nên:
- Chuẩn bị kịch bản bán hàng cụ thể và tư vấn sản phẩm;
- Chuẩn bị tư liệu tư vấn cho khách hàng ví dụ như hình ảnh sản phẩm;
- Trả lời tin nhắn khách hàng ngay hoặc chậm nhất trong 5 phút trong thời gian từ 8h – 20h mỗi ngày đối với các sản phẩm tiêu dùng có mức độ cạnh tranh cao;
- Thiết lập chatbot kịch bản tư vấn tự động đối với các câu hỏi thường gặp;
- Chăm sóc lại khách hàng chưa chốt đơn và đang cân nhắc và nên tránh làm phiền khách hàng nếu họ không phản hồi;
- Sử dụng phần mềm quản lý tin nhắn, bình luận và thông tin khách hàng như Pancake hay POS bán hàng có liên kết Fanpage;
Kết luận
Tới thời điểm hiện tại, chạy quảng cáo tin nhắn Facebook vẫn đang là giải pháp tốt giúp các doanh nghiệp và nhà bán hàng cá nhân tạo ra hiệu quả tích cực trong việc thúc đẩy doanh số bán hàng và marketing thương hiệu trong ngắn và dài hạn. Đặc biệt đối với các nhãn hàng và nhà bán hàng cá nhân mới tham gia thị trường kinh doanh, thì chạy quảng cáo tin nhắn sẽ giúp bạn tiếp cận khách hàng nhanh và dễ dàng hơn trong giai đoạn ngắn hạn.
Bài chia sẻ tiếp theo: Hướng dẫn tạo quảng cáo tiếp thị bám đuôi remarketing
Bài viết và video được thực hiện và chia sẻ miễn phí bởi Jasmine Bui
Vui lòng không re-up video và sử dụng với mục đích thương mại