Nội dung bài viết Hide
Bạn sẽ làm gì để tìm kiếm khách hàng tiềm năng cho sản phẩm và dịch vụ mới của thương hiệu? Và bạn sẽ làm gì để thu hút và chuyển đổi họ thành nhóm khách hàng thân thiết của riêng mình? Hãy chọn chiến lược marketing của bạn!
Inbound marketing là gì?
Inbound marketing được xem là một chiến lược tiếp thị thụ động và vốn dĩ mất nhiều thời gian, có thể là 6 tháng, 1 năm, hay nhiều năm.
Đây là chiến lược “thu hút” khách hàng mục tiêu tự nhiên bằng việc sáng tạo nội dung hấp dẫn nhằm giải đáp, đáp ứng sở thích, nhu cầu của nhóm khách hàng mà thương hiệu tiếp cận bao gồm: viết blog, SEO, sản xuất nội dung video, nội dung các trang mạng xã hội, ebook, v.v.
Bạn có thể hiểu rằng các nội dung này chính là nền tảng xây dựng nhận thức, niềm tin về thương hiệu và tạo nên giá trị khác biệt so với sản phẩm/ dịch vụ của đối thủ cạnh tranh.
Cách thực hiện này cung cấp đầy đủ những luồng thông tin cần thiết và giá trị cao cho nhóm khách hàng tiềm năng từ giai đoạn khách hàng tìm kiếm thông tin liên quan “từ khóa sản phẩm của bạn”, hay khám phá trực tiếp về thương hiệu đến giai đoạn chuyển đổi thành khách hàng thực sự. Theo thời gian, các khách hàng sẽ tin tưởng vào những thông tin mà bạn đã cung cấp và khiến họ ra quyết định mua hàng.
Ưu điểm
- Đối với Inbound marketing, khách hàng tiềm năng có thể chủ động tìm hiểu và xem các thông tin thương hiệu của bạn bất kì khi nào.
- Content thường mang tính “giáo dục” (Educate), có giá trị cao, và được thiết kế phù hợp cho từng giai đoạn trong phễu bán hàng.
- Giúp thương hiệu tạo ra giá trị bền vững và khác biệt với khách hàng so với đối thủ cạnh tranh khác.
- Inbound marketing có thể đo lường được hiệu quả và phân tích dữ liệu và hành vi khách hàng.

Nhược điểm
- Content cần được update liên tục và đảm bảo chạm đến nhu cầu và mong muốn của người tiêu dùng.
- Sẽ mất nhiều thời gian để phát triển và thử nghiệm các nội dung khác nhau thu hút khách hàng và nâng cao chuyển đổi.
- Inbound marketing cần có một chiến lược tổng thể, các công cụ quản trị khách hàng như CRM để giúp bạn triển khai các chiến dịch tích hợp tự động, đa kênh hiệu quả.
Đọc đến đây bạn cũng đã hiểu một phần nào ý nghĩa của Inbound marketing và hãy hình dung thử xem sản phẩm của bạn có phù hợp với chiến lược Inbound marketing không nhé!
Outbound marketing là gì?
Trái với Inbound marketing, Outbound marketing là một giải pháp marketing chủ động để “tìm kiếm” bất kỳ khách hàng tiềm năng nào, bất kể họ có thực sự quan tâm đến sản phẩm hay dịch vụ của thương hiệu hay không, nhằm tạo chuyển đổi hiệu quả ngay lập tức.
Chiến lược Outbound marketing tiếp cận với nhóm khách hàng tiềm năng qua các kênh tiếp thị truyền thống như: biển quảng cáo ngoài trời, sự kiện, hội chợ triển lãm, quảng cáo trên tivi, telesales và các kênh digital marketing như: SEM, quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội (Facebook ads, Tiktok ads), email marketing, v.v. Trong giai đoạn các kênh tiếp thị truyền thống dần chuyển đổi qua digital marketing, thì Outbound marketing có thể được xem như performance marketing.
Ưu điểm
- Outbound marketing thúc đẩy nhận thức về thương hiệu, giúp bạn tiếp cận những người chưa từng nghe nói về sản phẩm trên diện rộng.
- Có thể mang lại kết quả ngay lập tức.
- Sử dụng các kênh tiếp thị truyền thống như: treo biển quảng cáo ngoài trời hay quảng cáo trên tivi cho thấy được quy mô của thương hiệu, điều này tạo cho người xem cảm giác tin tưởng về thương hiệu hơn.
Nhược điểm
- Việc đo lường hiệu quả của hình thức quảng cáo truyền thống như biển quảng cáo ngoài trời là một thách thức.
- Chiến dịch Outbound marketing rất tốn kém.
- Nếu ngưng chiến dịch, lượng khách hàng có khả năng sụt giảm cao và ngay lập tức. Thương hiệu thường sẽ bị phụ thuộc vào chiến dịch quảng cáo trả tiền.
So sánh các điểm khác biệt
Nội dung | Inbound marketing | Outbound marketing |
Mục tiêu | Thu hút khách hàng mục tiêu tự nhiên, hướng tới xây dựng nhóm khách hàng thân thiết bền vững. | Tìm kiếm bất kì khách hàng tiềm năng nào ngay lập tức, có thể chuyển đổi doanh số ngay. |
Thị trường | Warm market, cold market | Cold market |
Nội dung | Mang tính thông suốt, nhiều dữ liệu thông tin nền để tìm kiếm. | Bị đứt đoạn. Do khách hàng chỉ được tiếp cận qua 1 vài quảng cáo. |
Kênh tiếp thị truyền thống | Biển quảng cáo ngoài trời, Taxi-ad, Roadshow, Truyền hình, Telesales | |
Kênh digital marketing | Blog, SEO, Video marketing, Social media, Ebook, Email marketing | SEM, Facebook ads, Tiktok ads, Email marketing |
Ngân sách | Thấp | Cao |
Hiệu quả | Cần có nhiều thời gian để đạt được. | Có thể chuyển đổi ngay. |
Đo lường và phân tích dữ liệu | Dùng CRM phân tích thông tin và lịch sử của khách hàng mục tiêu và đưa ra các chiến lược tiếp cận tối ưu tiếp theo. | Có thể sử dụng đa dạng công cụ phân tích dữ liệu digital marketing. |
Kết luận
Đối với thương hiệu của bạn, bạn sẽ chọn chiến lược Inbound marketing hay Outbound marketing?
Nhìn chung, Outbound marketing giúp thương hiệu của bạn truyền tải thông điệp trên diện rộng và nếu bạn là một Marketer cừ khôi xác định đối tượng khách hàng tốt, hiệu quả sẽ có ngay lập tức. Trong khi đó, Inbound marketing tiếp cận khách hàng từ tốn và bền bĩ hơn, về lâu dài sẽ giúp bạn xây dựng lòng trung thành khách hàng với một tệp khách hàng sử dụng sản phẩm và dịch vụ bền vững hơn.
Theo ý kiến của mình, đây là hai chiến lược mang tính bổ trợ cho nhau, nếu bạn biết kết hợp cả hai và phân bổ ngân sách thực thi một cách hợp lý, hiệu quả về xây dựng thương hiệu và bán hàng sẽ tối ưu hơn.
Để lựa chọn chiến lược marketing phù hợp, đầu tiên bạn hãy phân tích các yếu tố dưới đây:
- Sản phẩm: Nhóm sản phẩm giá trị cao, sản phẩm cao cấp, sản phẩm liên quan đến sức khỏe, hay nhóm sản phẩm tiêu dùng nhanh, giá trị thấp , v.v.
- Quá trình khách hàng đưa ra quyết định mua hàng: Bán các sản phẩm khó ra quyết định mua hàng ngay và cần nhiều thời gian xem xét, tư vấn hay bán các sản phẩm có thể ra quyết định nhanh trong lần tiếp cận đầu tiên?
- Nhóm khách hàng mục tiêu: Nhóm khách hàng nam, nữ, nhóm khách hàng lớn tuổi, trung niên, gen Z hay tuổi teen?
- Lộ trình phát triển thương hiệu: kế hoạch phát triển sản phẩm, chiến lược kinh doanh, KPI doanh số, v.v.
- Ngân sách sales và marketing.
Việc thực hiện các phân tích về Giá trị cốt lõi của thương hiệu, sản phẩm so với đối thủ cạnh tranh, giúp bạn đưa ra các quyết định chuẩn xác hơn trong chiến lược marketing, nâng tầm giá trị thương hiệu và phát triển bền vững.
Bài viết được thực hiện bởi Jasmine Bùi.
Bản quyền nội dung thuộc về jasminebui.me.