KOC là gì? KOC marketing có còn mang lại hiệu quả?

Total
13
Shares

Trong những năm gần đây, thị trường marketing Việt Nam nở rộ xu hướng sử dụng KOC Marketing. Vậy KOC thực chất là gì? Dưới đây là những thông tin tổng hợp và chia sẻ từ kinh nghiệm làm việc thực tế của mình.

Khởi nguồn của KOC

Trước khi KOC xuất hiện, KOL “Key Opinion Leader” là một phần quan trọng trong các chiến dịch quảng bá của nhãn hàng tại thị trường Trung Quốc và toàn cầu nói chung. KOL đã trở thành một công cụ tiếp thị mạnh mẽ và xa xỉ trong nhiều năm. Nhắc đến KOL, họ được khoanh vùng cho những người nổi tiếng – ca sĩ, diễn viên và các chuyên gia trong ngành, những người quảng cáo sản phẩm hợp tác với một số thương hiệu cao cấp nổi tiếng nhất. Tuy nhiên, những người có tầm ảnh hưởng đến những người nổi tiếng đã không còn được quá ưa chuộng trong nhiều các kế hoạch tiếp thị đa ngành hàng.

Đứng ở gốc độ kinh doanh, đối với các thương hiệu muốn thâm nhập vào thị trường Trung Quốc, chi phí tăng vọt của các KOL thường là điều không thể đạt được. Giá trị của việc trả tiền cho KOL để quảng cáo sản phẩm phụ thuộc vào số lượng “fan” theo dõi họ. Ngoài ra, các công ty đại diện cho KOL đã bị phát hiện mua lượt xem/ tương tác giả cho các bài đăng quảng cáo nhằm tính phí cao hơn và đảm bảo KPI của nhãn hàng. Ngân sách sử dụng cho KOL cao, tầm ảnh hưởng các bài đăng quảng cáo của KOL sụt giảm “cảm xúc” đến người tiêu dùng, cùng với nhu cầu tìm kiếm các thông tin đánh giá sản phẩm thực tế ngày càng nhiều, là xuất phát điểm cho xu hướng KOC marketing ra đời.

Và gần đây sự chuyển đổi từ KOL sang KOC marketing đã được chú ý và KOC được cho là một trong những xu hướng tiếp thị kiểu mới vào năm 2019. Hơn 2/3 người tiêu dùng trực tuyến tại Trung Quốc đồng ý đánh giá trực tuyến quan trọng đối với quá trình ra quyết định của họ. Xem xét tác động từ các đánh giá sản phẩm mang lại, các thương hiệu dần tìm kiếm hợp tác với một số KOC như một phần trong chiến lược tiếp thị. Điều này giúp cho người tiêu dùng nâng cao nhận thức về thương hiệu và nhân rộng độ phủ sóng khi ra mắt sản phẩm mới.

KOC là gì?

KOC được viết tắt từ cụm từ “Key Opinion Consumer”. Họ là những người tiêu dùng thường xuyên thích chia sẻ các đánh giá, quá trình trải nghiệm thực tế, đề xuất tiêu dùng (nên hay không nên) về sản phẩm trên các phương tiện truyền thông phổ biến như: Tiktok, Youtube, Facebook, …

KOC là nhóm người chia sẻ trải nghiệm có liên hệ gần gũi hơn với nhóm người theo dõi của họ và được xem là đáng tin cậy hơn do nội dung và tính xác thực của họ.

KOC là những người tiêu dùng yêu thích chia sẻ trải nghiệm thực tế về sản phẩm
Toàn bộ nội dung trọng tâm của KOC là đánh giá sản phẩm. Nguồn ảnh: Google

Mặc dù hầu hết các KOC chưa có lượng người hâm mộ lớn, nhưng họ là chìa khóa để người tiêu dùng đưa ra quyết định mua hàng. Và đây cũng là một trong những điểm khác biệt chính với những người có ảnh hưởng nổi tiếng khác.

Hiệu quả của KOC marketing trong thời điểm hiện tại

Đối với nhãn hàng mới và ngân sách marketing nhỏ, KOC vẫn là một sự lựa chọn mà họ yêu thích trong việc lan tỏa nhanh và thúc đẩy tăng trưởng doanh số trong ngắn hạn.

Tại thị trường Việt Nam, KOC đã trở thành một xu hướng marketing thịnh hành và được nhân rộng trên các nền tảng phổ biến như Tiktok, Youtube. Tận dụng xu hướng, cùng lượng người theo dõi gia tăng, KOC được xem là một nghề có thể “hái ra tiền”. Các KOC dần biết cách xây dựng hình ảnh cho thương hiệu cá nhân qua các kênh truyền thông, kiếm tiền thông qua nền tảng chia sẻ video Youtube, hay tham gia các chiến dịch quảng bá từ nhãn hàng, và chiến dịch liên kết bán hàng (Affiliate). Tuy nhiên nhờ vào sự tiếp cận tương đối dễ dàng trên nền tảng mạng xã hội, mọi cá nhân đều có thể trở thành KOC dẫn đến nhãn hàng sẽ khó khăn hơn khi đưa ra danh sách KOC phù hợp cho các chiến dịch marketing với ngân sách hợp lý.

Mình sẽ chia ra thành 2 nhóm KOC cho các bạn dễ hiểu:

  • KOC: Người chia sẻ tiêu dùng thông thường.
  • KOC – Influencer: Người chia sẻ tiêu dùng có mức độ phủ sóng cao.

Đối với nhóm KOC thông thường, họ đang bắt đầu xây dựng thương hiệu cá nhân hoặc chỉ đơn thuần yêu thích chia sẻ, họ sẽ chấp nhận trải nghiệm và đánh giá sản phẩm phù hợp miễn phí cho các nhãn hàng, hoặc họ là người chủ động tìm kiếm trải nghiệm sản phẩm và đánh giá theo xu hướng hot của thị trường. Đối với nhóm KOC có mức độ phủ sóng cao trên mạng xã hội và đã tạo ra tầm ảnh hưởng nhất định, họ sẽ cân nhắc lựa chọn hợp tác với các thương hiệu phù hợp, cùng với mức ngân sách chi trả dựa trên thỏa thuận KPI với KOC.

Ngân sách sử dụng KOC trong thời điểm hiện tại không phải là một con số nhỏ. Tuy nhiên, hiệu quả mà KOC mang lại cho nhãn hàng còn tùy vào ngành hàng, sản phẩm và tệp khách hàng mục tiêu. Theo kinh nghiệm thực tế của mình, việc sử dụng KOC là tương đối nhiều rủi ro so với mức ngân sách chi ra nếu bạn không có kinh nghiệm về thị trường này.

Vậy sự chia sẻ của KOC đáng tin cậy như thế nào?

Uy tín và độ tin cậy của KOC tạo ra cho tệp khách hàng mục tiêu còn phụ thuộc vào một số yếu tố đánh giá chất lượng:

  • Nhóm ngành hàng mà KOC chia sẻ. (Đa ngành hàng hay có tính chuyên môn hóa)
  • Đánh giá kiến thức chuyên môn và nội dung chia sẻ của KOC. (Đây là điều cốt lõi quan trọng tạo nên uy tín và sự đáng tin cậy của KOC)
  • Lượng người theo dõi KOC.
  • Đánh giá tiêu cực và tích cực.
  • Lượng người tương tác thực tế trong các chia sẻ của KOC.
  • Lượng người đề cập content mà KOC đang chia sẻ trong các bình luận và đánh giá.
  • Các chiến dịch mà KOC đã tham gia.
  • ….

Để đưa ra lựa chọn KOC phù hợp cho từng chiến dịch, nhãn hàng cần có các yêu cầu/ tiêu chí đánh giá cụ thể kèm mục tiêu của chiến dịch, nhằm tối ưu ngân sách marketing và hiệu quả.

Jasmine Bùi.

KOC có thay thế được KOL?

Đầu tiên, điều quan trọng mà bạn cần lưu ý là KOC không thể thay thế hoàn toàn KOL. Sự khác biệt chính giữa KOL và KOC là vị thế, độ nổi tiếng, giá trị thương hiệu cá nhân, và ngân sách chi trả.

Giá trị của KOL marketing dựa trên việc KOL chọn lọc nội dung, chọn lọc thương hiệu thay cho những người theo dõi họ và chỉ truyền tải những thông tin có liên quan đến họ. Các thương hiệu vẫn cần hợp tác với những người có sức ảnh hưởng cao để nâng tầm uy tín và vị thế thương hiệu, điều mà các KOC gần như chưa thể làm tốt được.

Bạn có thể hiểu một cách đơn giản: KOL ngoài việc giúp gia tăng độ phủ sóng của thương hiệu một cách mạnh mẽ, họ còn giúp thương hiệu nâng cao vị thế dựa trên vị thế cá nhân của KOL. Còn đối với KOC, đây là nhóm người chia sẻ tiêu dùng, mục tiêu cuối cùng là giúp nhãn hàng tiếp cận một cách gần gũi hơn với khách hàng tiềm năng, dẫn dắt người tiêu dùng đến các quyết định mua hàng phù hợp.

Ngoài ra, KOL thường được lựa chọn và đại diện cho rất nhiều thương hiệu từ thương hiệu cao cấp, trung cấp và nhóm ngành hàng tiêu dùng thông thường. Đối với KOC gần như chỉ đang dừng lại ở nhiều thương hiệu nhỏ, trung cấp và nhóm ngành hàng tiêu dùng thông thường.

Mặc dù các KOL có lượng người hâm mộ khổng lồ, điều đó không đồng nghĩa lúc nào họ cũng nhận được sự tin tưởng hoàn toàn từ khán giả. Người tiêu dùng đã trở nên sành điệu và sáng suốt hơn và họ có rất nhiều lựa chọn để tránh tiếp thị truyền thống. Khán giả hoàn toàn nhận thức được KOL được trả tiền để quảng cáo, và người tiêu dùng bắt đầu muốn có nhiều nội dung “chạm cảm xúc” thực tế hơn là nội dung mang tính thương mại (Sponsored post). Ngược lại, KOC trước hết họ sẽ xem họ muốn dùng thử và đánh giá sản phẩm nào. Mặc dù, xuất phát điểm họ không có lượng người hâm mộ hùng hậu nhưng vì chuyên môn của họ là đưa ra các bài đánh giá, tiếng nói của họ đáng tin hơn và người đọc thực sự tham khảo các bài đánh giá của họ trong các quyết định mua hàng.

Yếu tốKOLKOC
Ngân sáchCao – Rất caoTrung bình – Thấp
FollowerCao – Trung bìnhCao – Trung bình (Follower ảo rất khó đánh giá)
Độ phủ sóngDiện rộngTrung bình – Thấp
Đo lường mức độ ảnh hưởng đến tăng trưởng thương hiệuCần có thời gian đánh giá tổng thể, dựa trên mục tiêu/ thời gian hợp tácĐo lường ngay sau các chiến dịch hợp tác ngắn hạn
Giá trị khácNâng tầm uy tín và vị thế nhãn hàngHướng người dùng trực tiếp tới quyết định mua hàng phù hợp.
Bảng so sánh một số yếu tố khác biệt giữa KOL và KOC

Bài được viết bởi Jasmine Bùi.

Bản quyền nội dung thuộc về jasminebui.me.

2 comments
  1. Chi phí để thuê KOC review sản phẩm cho mình tầm phí bao nhiêu vậy ạ?

    1. Chi phí này còn tùy vào mức độ phổ biến của KOC. Con số phổ biến dao động từ vài triệu đến vài chục triệu cho một job review. Bạn có thể cân nhắc thêm tệp micro influencer nhằm tối ưu chi phí và hiệu quả brand marketing trước khi chi ra một ngân sách lớn.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

You May Also Like